LUẬN BÀN VỀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC VIỆT NAM







GS.TSKH VŨ MINH GIANG
Tại buổi tọa đàm “Triết lý giáo dục Việt Nam” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã đến dự và phát biểu ý kiến. Sau đây là tóm tắt ý kiến của GS.TSKH Vũ Minh Giang tại buổi tọa đàm.
Điều đầu tiên tôi muốn đưa  ra là những vấn đề mà các giáo sư trình bày trước tôi đã đặt ra về triết lý giáo dục. Vậy Việt Nam có triết lý giáo dục hay chưa? Người thì cho rằng đã có triết lý, người thì cho rằng chưa. Nếu chúng ta đồng nhất triết lý với những cái ta quen gọi là phương châm, đường lối, nguyên tắc thì chúng ta đã có triết lý rồi. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ thấu đáo, tìm ra theo chiều sâu thì dường như chúng ta chưa có triết lý. Cho nên, khi đụng vào vấn đề này thì người ta vin vào triết lý này, làm điều kia thì người ta vin vào triết lý kia. Vì vậy, quan điểm của tôi là chưa có triết lý giáo dục.
Người ta cho rằng thị trường giáo dục Việt Nam cực kỳ béo bở. Theo tôi được biết, có trường Đại học quốc tế ở Việt Nam học 7, 8 năm chưa xong thì Trường cứ giữ lại để học tiếp, thậm chí Trường còn thích sinh viên thi trượt vì không tuyển đầu vào, ai thích cứ vào học, học được thì học, học không được thì không có bằng. Và cứ mỗi lần thi lại thì là tiền. Trường Đại học này thuộc một tập đoàn giàu có ở Việt Nam, làm giàu trên mảnh đất giáo dục ở Việt Nam. Tôi cho rằng đó là hiện tượng không bình thường.
Rồi có tâm lý muốn cào bằng, mà cào bằng không có triết lý cũng rất nguy hiểm. Giáo dục phổ thông và giáo dục đại học khác nhau về căn bản. Giáo dục phổ thông là tạo nền, nó là giáo dục công dân, dạy chữ. Giáo dục đại học là đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động. Vì vậy không thể có một nền giáo dục đại học chung của Việt Nam, đấy là điều không tưởng. Nếu đại học chúng ta muốn có một nền chung, công nhận bằng cấp là không bao giờ có, và không nước nào làm. Điển hình như Mỹ là nước có nền giáo dục hàng đầu, hàng trăm trường đại học tốt nhất thế giới phần lớn đều ở Mỹ, nhưng cũng có nhiều trường èo uột hơn Việt Nam cũng nằm ở Mỹ. Tại Mỹ, hệ thống giáo dục được phân tầng sâu, đáp ứng đủ mọi yêu cầu, do đó trường đại học tư ở Mỹ không bao giờ khó khăn tuyển sinh như các trường tư ở Việt Nam. Việt Nam cần xem lại vấn đề tuyển sinh đại học 3 chung như hiện nay.
Phải hiểu lịch sử giáo dục Việt Nam chịu tác động gì? Triết lý giáo dục phải có sự tích hợp của lịch sử giáo dục.
Bên cạnh đó, muốn hiểu triết lý giáo dục phải hiểu được xu thế thế giới. Thế giới bây giờ là phẳng và biến động không ngừng. Hiện kinh tế tri thức đang lên ngôi, tức là giá trị gia tăng là hàm lượng trí tuệ. Chính vì vậy, Việt Nam cần xác định cụ thể Triết lý giáo dục là gì? Và  theo tôi bắt đầu bằng từ 5 hiểu: Chúng ta là ai trong hiểu chăm học; Phải hiểu được những yêu cầu của đất nước, của Đảng, của nhân dân với giáo dục nó là cái gì? Chứ đừng bằng tư duy chủ quan của người lãnh đạo, quần chúng bao giờ cũng thông minh hơn một người, và nhu cầu thì không bao giờ cớ thể biết hết được; Phải hiểu lịch sử giáo dục Việt Nam; hiểu xu thế giới phẳng; hiểu những yêu cầu của đất nước, của nhân dân, của Đảng là gì; Phải hiểu nhân tố nào tác động đến giáo dục Việt Nam, yếu tố thứ nhất đó là gia đình, giáo dục gia đình không nên khoán hết cho xã hội và nhà trường; thứ hai đó là cộng đồng, chẳng hạn sức học của con kém, nhưng cũng chịu sự tác động của cộng đồng nên vẫn đưa con đi thi đại học dù biết không có khả năng đỗ; thứ ba là hoàn cảnh lịch sử Việt Nam khá phong phú, nhưng biến động. Những biến động này tác động nhiều đến giáo dục Việt Nam; thứ tư là môi trường văn hóa ở Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ bên ngoài và cuối cùng là chịu sự tác động của yếu tố chính trị.
Ngoài ra, khi đi tìm triết lý giáo dục, chúng ta phải dựa vào truyền thống hiếu học, truyền thống trọng học. Có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện sẵn sàng bán nhà to chuyển sang căn nhà bé hơn để có tiền cho con đi du học, sự kỳ vọng vào con cái đến mức như vậy chỉ có ở Việt Nam.
Cùng với đó, Đảng và Nhà nước coi việc học hành là quốc sách hàng đầu. Thêm nữa, chúng ta cần phải khai thác hết những tư tưởng của Hồ Chí Minh trong vấn đề giáo dục, đào tạo để soi đường; chúng ta có sự đồng thuận của xã hội để có một nền giáo dục lành mạnh phát triển. Thời điểm này, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn và có một nguồn lực nhất định để đầu tư cho giáo dục và dễ dàng huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Cuối cùng, triết lý giáo dục của tôi được khái quát, gợi mở trong 5 chữ: Ái, Tôn, Vị, Trọng, Khai.
Thứ nhất, Ái là ái quốc. Triết lý giáo dục của Việt Nam cần quán triệt chủ nghĩa yêu nước bởi nếu không có tinh thần yêu nước thì sẽ không nghĩ ra được những chương trình giáo dục hay và nên quán triệt chủ nghĩa này vào trong giáo dục.
Thứ hai, Tôn là cần phải có ý thức thượng tôn dân tộc, đó là một sức mạnh của dân tộc.
Thứ ba, Vị là vị nhân sinh, phải tôn trọng thực tại khách quan, tôn trọng xã hội, xem xã hội cần gì để đào tạo theo nhu cầu.
Thứ tư, Trọng là trọng nguyên khí hay nói cách khác chính là trọng người tài.
Thứ năm, Khai là khai phóng dân tộc, mở ra với thế giới./.
(Nguồn: cpv.org.vn)

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best Buy Coupons