QUY ĐỊNH VỀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA SINH VIÊN

Chương I: Quy định chung
Điều 1: Mục đích nghiên cứu khoa học của sinh viên
Nghiên cứu khoa học (NCKH) là nhiệm vụ và quyền lợi của sinh viên Học viện Tài chính nhằm mục đích:
-         Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện
-         Giúp sinh viên tiếp cận và biết vận dụng các phương pháp NCKH
-         Vận dụng kiến thức đã học và phương pháp NCKH để giải quyết một số vấn đề khoa học và thực tiễn trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, kế toán… tại thời điểm sinh viên đang học
Điều 2: Nguyên tắc tổ chức các hoạt động NCKH của sinh viên
-         Phù hợp với khả năng và nguyện vọng của sinh viên
-         Phù hợp với nội dung chương trình đào tạo và một số đòi hỏi thực tiễn của xã hội
-         Phù hợp với định hướng và kế hoạch hoạt động khoa học của Học viện và không ảnh hưởng đến việc học tập chính khóa của sinh viên
Điều 3: Các hình thức NCKH của sinh viên
-         Viết bài đăng trên các ấn phẩm NCKH trong và ngoài Học viện (Kỷ yếu hội thảo, Nội san sinh viên NCKH, Tạp chí Nghiên cứu khoa học Tài chính Kế toán, các báo và tạp chí chuyên ngành)
-         Thực hiện các công trình NCKH dự thi sinh viên NCKH các cấp (Khoa, Học viện, Bộ GD&ĐT,…) và các giải thưởng khác trong và ngoài nước
-         Tham gia thực hiện các đề tài từ cấp Bộ môn trở lên do Giám đốc Học viện giao (nếu có); tham gia cùng các bộ môn dịch thuật các tài liệu chuyên khảo phục vụ cho giảng dạy và học tập
-         Tham gia đội tuyển trong các cuộc thi có nội dung khoa học như: Sinh viên lập nghiệp, Nhà doanh nghiệp giỏi, Festival, thi tìm hiểu về các lĩnh vực chuyên môn,…
Điều 4: Nguồn kinh phí cho hoạt động NCKH của sinh viên
-         Nguồn NSNN cấp cho các hoạt động khoa học công nghệ
-         Bổ sung từ nguồn thu sự nghiệp của Học viện
-         Các nguồn kinh phí khác
Chương II: Nhiệm vụ của khoa, bộ môn và các đơn vị quản lý trong các hoạt động NCKH của sinh viên
Điều 5: Nhiệm vụ của các khoa, bộ môn
Nhiệm vụ của các Khoa quản lý sinh viên
-         Đăng ký và tổ chức thực hiện kế hoạch NCKH của sinh viên được giao; theo dõi, chỉ đạo, bố trí lực lượng giáo viên hướng dẫn sinh viên hoàn thành nhiệm vụ NCKH
-         Tổ chức thi sinh viên NCKH cấp Khoa và lựa chọn công trình gửi dự thi ở cấp Học viện; lưu trữ công trình và hồ sơ đánh giá công trình sinh viên dự thi NCKH cấp khoa hàng năm.
-         Phối hợp với Ban Quản lý khoa học, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và các đơn vị liên quan tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học sinh viên, thi Festival, thi tìm hiểu kiến thức và các hình thức hoạt động khoa học khác của sinh viên; tổng kết đánh giá phong trào NCKH của sinh viên; xét và đề nghị khen thưởng sinh viên và giảng viên của Khoa có nhiều thành tích và đóng góp cho công tác NCKH sinh viên hàng năm
-         Phối hợp với Ban Quản lý khoa học, Ban Quản lý đào tạo, Ban Quản lý sinh viên thực hiện việc tính điểm rèn luyện, khen thưởng và ghi hồ sơ cho sinh viên có thành tích NCKH theo các quyết định khen thưởng các cấp và theo quy định của Học viện
Hội đồng khoa học và đào tạo Khoa có trách nhiệm tư vấn về định hướng và các biện pháp tổ chức, thực hiện các hoạt động NCKH của sinh viên thuộc Khoa quản lý; xét duyệt danh mục các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên theo từng năm học.
Nhiệm vụ của các Bộ môn trong khoa
-         Gợi ý danh mục các đề tài nghiên cứu trong phạm vi các môn học do bộ môn đảm nhận (trên cơ sở xem xét nhu cầu thực tiễn xã hội và của ngành tài chính), thống kê danh mục tài liệu tham khảo để giúp sinh viên lựa chọn đề tài nghiên cứu.
-         Phân công giáo viên hướng dẫn sinh viên NCKH theo sự chỉ đạo của Khoa
Điều 6: Nhiệm vụ của Ban Quản lý khoa học
-         Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Học viện về tổ chức và quản lý công tác NCKH của sinh viên
-         Tổ chức giao nhiệm vụ, triển khai thực hiện kế hoạch NCKH của sinh viên hàng năm; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch theo đúng tiến độ thời gian quy định
-         Tổ chức đánh giá và tuyển chọn các công trình NCKH của sinh viên dự thi; kết hợp với các Khoa và giáo viên hướng dẫn giúp sinh viên hoàn thiện các công trình được lựa chọn để tham gia dự thi trong và ngoài Học viện
-         Đề nghị thanh toán kinh phí NCKH cho giáo viên và sinh viên theo chế độ quy định về NCKH
-         Chịu trách nhiệm xuất bản Nội san NCKH sinh viên (kế hoạch, duyệt bài đăng, biên tập, in ấn, phát hành)
-         Quản lý, lưu trữ hồ sơ các đề tài NCKH sinh viên dự thi hàng năm (từ cấp Học viện trở lên) và Nội san NCKH sinh viên đã xuất bản
-         Phối hợp với các Khoa, các đơn vị liên quan tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học sinh viên, tổ chức tổng kết, đánh giá phong trào NCKH của sinh viên, xét và đề nghị khen thưởng về công tác NCKH sinh viên
Điều 7: Nhiệm vụ của các đơn vị liên quan
Các đơn vị liên quan trong Học viện có trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý Khoa học và các Khoa tổ chức tốt công tác NCKH trong sinh viên của Học viện:
-         Trung tâm Thông tin và Thư viện có nhiệm vụ giới thiệu, cung cấp tài liệu cho sinh viên thực hiện đề tài NCKH, lưu trữ và giới thiệu kết quả NCKH của sinh viên đến bạn đọc
-         Ban Quản lý sinh viên có nhiệm vụ phối hợp với Ban Quản lý Khoa học, các Khoa quản lý sinh viên thực hiện tốt công tác tính điểm rèn luyện, khen thưởng và ghi hồ sơ cho sinh viên có thành tích trong NCKH theo các quyết định khen thưởng các cấp
-         Ban Quản lý đào tạo có nhiệm vụ cộng điểm thưởng vào điểm trung bình chung học tập cho các sinh viên đạt Giải thưởng “Sinh viên NCKH” cấp Bộ Giáo dục và đào tạo hàng năm theo văn bản đề nghị của Ban QLKH
-         Ban Tài chính Kế toán có nhiệm vụ thanh toán kinh phí nghiên cứu cho cán bộ giáo viên và sinh viên theo chế độ quy định của Học viện
-         Ban Công tác chính trị, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên có nhiệm vụ phối hợp tổ chức, tuyên truyền, động viên sinh viên làm tốt nhiệm vụ NCKH
Các đơn vị có liên quan khác tùy theo chức năng và nhiệm vụ có trách nhiệm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên NCKH theo yêu cầu của Giám đốc Học viện
Chương III: Nhiệm vụ và quyền lợi của sinh viên tham gia NCKH và cán bộ giáo viên, nghiên cứu viên hướng dẫn
Điều 8: Nhiệm vụ của sinh viên tham gia NCKH
-         Thực hiện các hoạt động NCKH theo sự phân công của Khoa, Bộ môn và Học viện
-         Chấp hành các quy định về hoạt động khoa học công nghệ hiện hành
-         Kê khai thành tích NCKH định kỳ theo yêu cầu của Khoa, Học viện
Điều 9: Quyền lợi của sinh viên tham gia NCKH
-         Được hưởng nhuận bút và nhận ấn phẩm theo quy định hiện hành
-         Được hỗ trợ kinh phí thực hện công trình NCKH dự thi theo quy định của Học viện
-         Được tính điểm rèn luyện, khen thưởng, cộng vào điểm trung bình chung học tập theo quy định của Học viện và của Bộ Giáo dục và đào tạo
-         Được ghi thành tích NCKH trong hồ sơ sinh viên tốt nghiệp
-         Được hưởng ưu tiên trong việc xét chuyển tiếp sinh từ bậc đại học lên cao học, xét hồ sơ thi tuyển làm giáo viên và nghiên cứu viên theo quy định của Học viện
Điều 10: Nhiệm vụ của giáo viên và cán bộ nghiên cứu
-         Giáo viên, cán bộ nghiên cứu có nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên NCKH theo sự phân công của Khoa và Bộ môn
-         Tham gia đọc duyệt bài đăng Nội san sinh viên NCKH và kỷ yếu hội thảo khoa học sinh viên theo sự phân công của Học viện, Khoa, Bộ môn
-         Tham gia các hội đồng đánh giá nghiệm thu các công trình NCKH của sinh viên dự thi ở các cấp
Điều 11: Quyền lợi của CBGV, NCV hướng dẫn sinh viên NCKH
-         Được tính giờ NCKH đối với việc hướng dẫn các công trình NCKH dự thi của sinh viên theo quy định hiện hành của Học viện
-         Được chi trả kinh phí đối với các hoạt động khác liên quan đến hoạt động khoa học của sinh viên theo quy định hiện hành của Học viện
-         Được khen thưởng và ghi lý lịch khoa học cán bộ theo quy định của Học viện
Chương IV: Quy định về xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các hoạt động NCKH của sinh viên
Điều 12: Xây dựng kế hoạch NCKH của sinh viên
-         Chậm nhất 30 tháng 8 hàng năm các Khoa quản lý sinh viên lập và đăng ký kế hoạch NCKH sinh viên với Ban Quản lý sinh viên
-         Ban Quản lý khoa học tổng hợp, trình Ban Giám đốc phê duyệt kế hoạch NCKH sinh viên của Học viện: từ ngày 01 – 15/9 hàng năm.
-         Kế hoạch NCKH của sinh viên được phê duyệt là căn cứ để tổ chức triển khai các hoạt động NCKH của sinh viên toàn Học viện
Điều 13: Tổ chức thực hiện các hoạt động NCKH của sinh viên
13.1. Công trình NCKH dự thi các cấp
- Từ ngày 15/9 – 15/11 hàng năm, các Khoa phải triển khai giao đề tài phân công giáo viên hướng dẫn, xét duyệt đề cương nghiên cứu, lựa chọn sinh viên thực hiện
- Từ ngày 20 – 25/11 hàng năm, các Khoa gửi danh mục công trình dự thi đã được Hội đồng khoa học và Đào tạo Khoa phê duyệt cho Ban Quản lý khoa học
- Sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng khoa học và đào tạo Học viện, các Khoa, bộ môn tổ chức cho sinh viên thực hiện và tổ chức nghiệm thu công trình dự thi cấp Khoa.
- Chậm nhất là ngày 01 tháng 6 hàng năm, các khoa gửi kết quả chấm công trình dự thi cấp Khoa cho Ban Quản lý khoa học. Báo cáo kết quả gồm có:
1. Biên bản họp Hội đồng chấm công trình dự thi cấp Khoa (có danh mục công trình dự thi kèm theo – theo mẫu 3)
2. Bản phôtô nhận xét của người chấm phản biện
3. Quyết định thành lập hội đồng chấm công trình
4. Quyết định khen thưởng các công trình đạt giải cấp Khoa (số lượng công trình được trao giải không vượt quá 50% số lượng công trình dự thi)
5. Công văn gửi công trình dự thi cấp Học viện (có danh mục công trình kèm theo – theo mẫu 4)
6. Đề nghị quyết toán kinh phí cho Hội đồng chấm công trình dự thi cấp Khoa (theo mẫu 5)
- Công trình dự thi và Hồ sơ chấm công trình dự thi cấp Khoa (trừ công trình gửi dự thi cấp trên) do các khoa lưu trữ
- Chậm nhất 10/6 hàng năm, các khoa phải gửi công trình được lựa chọn để dự thi ở cấp Học viện cho Ban Quản lý khoa học
- Sau khi nhận được các công trình dự thi cấp Học viện, Ban QLKH trình Giám đốc Học viện thành lập Hội đồng đánh giá, xếp loại và lựa chọn công trình dự thi cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo trước 15/8 hàng năm
- Ban QLKH lưu trữ hồ sơ chấm công trình dự thi cấp Học viện và một bản gốc của công trình
13.2. Hội thảo khoa học sinh viên các cấp
- Trước khi tiến hành hội thảo 1 tuần, các khoa phải gửi cho Ban Quản lý khoa học bản dự trù kinh phí, danh sách đại biểu mời và một cuốn kỷ yếu làm căn cứ đề nghị cấp kinh phí tổ chức chuyển Ban Tài chính kế toán theo quy định
- Tài liệu phục vụ hội thảo được quy định như sau:
Kỷ yếu hội thảo khoa học không vượt quá 200 trang đánh máy tiêu chuẩn (1 trang đánh máy tiêu chuẩn gồm 38-40 dòng; 16-18 chữ/dòng; cỡ chữ VnTime 13). 1 kỷ yếu hội thảo khoa học không sử dụng vượt quá 50 bài đăng. Mỗi tác giả chỉ đăng 01 bài viết/1 kỷ yếu hội thảo khoa học
Số lượng kỷ yếu hội thảo được in ấn theo nguyên tắc:
- Tác giả có bài đăng + đại biểu:                01 cuốn/1 người
- Các lớp sinh viên tham gia hội thảo:                    03 cuốn/ 1 lớp
- Thư viện (chuyển phòng đọc sinh viên)    02 cuốn/1hội thảo
Kết thúc hội thảo, các khoa phải quyết toán kinh phí với Ban TCKT trên cơ sở có xác nhận của Ban Quản lý khoa học
13.3.Hội nghị khoa học sinh viên các cấp
- Trước khi tiến hành hội nghị, các Khoa phải lập bảng kê, đối chiếu thành tích NCKH của từng sinh viên, gửi Ban QLKH để xem xét và hỗ trợ kinh phí
- Mức kinh phí được xác định theo quy mô, hình thức tổ chức và định mức kinh phí theo quy định của Học viện
13.4. Tổ chức thi tìm hiểu kiến thức, thi Festival
- Học viện chỉ hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động mang nội dung khoa học gắn với chuyên môn của sinh viên theo kế hoạch đã được đăng ký. Những nội dung mang tính chất phong trào được tổ chức bằng nguồn kinh phí Đoàn, Hội, Khoa theo quy định của Giám đốc Học viện
- Sinh viên tham gia chính thức trong 1 đội tuyển thi Festival, thi tìm hiểu kiến thức, hoạt động phong trào có tính chất khoa học được công nhận thành tích NCKH ở mức tương đương. 1/4 – 1/2 bài viết cho kỷ yếu hội thảo khoa học cấp Khoa tùy theo hàm lượng khoa học của mỗi hoạt động (số lượng sinh viên được công nhận thành tích NCKH căn cứ vào quy mô hoạt động của mỗi khoa)
- Trước khi tổ chức cuộc thi, các Khoa gửi bản dự trù kinh phí kèm chủ đề, quy mô và cách thức tổ chức, danh sách các đội tuyển và người hướng dẫn cho Ban QLKH để xem xét đề nghị mức hỗ trợ kinh phí.
13.5. Nội san Sinh viên NCKH và các ấn phẩm khoa học sinh viên khác
- Nội san Sinh viên NCKH là ấn phẩm xuất bản thường kỳ trên cơ sở bài báo gửi đăng của sinh viên hoặc nhóm sinh viên thuộc Học viện Tài chính. Ấn phẩm Nội san chỉ lưu hành trong nội bộ Học viện
- Bài báo hoặc bài đăng kỷ yếu hội thảo của sinh viên phải đúng thể lệ, có nội dung phù hợp với độ dài tối thiểu là 1 trang tác giả. Mỗi bài viết chỉ được công bố 01 lần trên 01 ấn phẩm của Học viện quản lý.
- Ban QLKH tổ chức tiếp nhận bài gửi đăng, tổ chức đọc duyệt và biên tập xuất bản
Chương V
Quy định về thanh toán và hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động NCKH của sinh viên
Điều 14: Thanh toán cho hoạt động NCKH dự thi các cấp
14.1. Hướng dẫn sinh viên thực hiện các đề tài dự thi sinh viên NCKH các cấp được tính vào khối lượng giờ NCKH hàng năm của CBGV:
- Hướng dẫn sinh viên NCKH dự thi cấp Khoa được tính 17 giờ/1 công trình
- Hướng dẫn sinh viên NCKH dự thi cấp Học viện được tính 20 giờ/1 công trình
- Hướng dẫn sinh viên NCKH dự thi cấp Bộ và cấp tương đương được tính 25 giờ/1 công trình
14.2. Sinh viên được thực hiện đề tài NCKH dự thi các cấp được xếp loại từ đạt yêu cầu trở lên được hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài ở mức sau:
- Cấp Khoa: 500.000 đ/1 đề tài
- Cấp Học viện: 800.000 đ/1 đề tài
- Cấp Bộ: 1.200.000 đ/1 đề tài
Mỗi đề tài dự thi được hỗ trợ 1 lần ở cấp dự thi cao nhất
14.3. Đơn vị tổ chức thực hiện và quản lý đề tài NCKH sinh viên (Ban QLKH) được tính thù lao bằng 10% tổng kinh phí thanh toán cho đề tài
Điều 15. Thanh toán cho Hội đồng chấm công trình dự thi
-         Họp hội đồng chấm công trình dự thi cấp Học viện
* Chủ tịch hội đồng:                     400.000 đ/ 1 buổi
* Thành viên, thư ký:                    200.000 đ/1 buổi/1người
- Họp hội đồng chấm công trình dự thi cấp Khoa, Tiểu ban
* Chủ tịch hội đồng:                     200.000 đ/1 buổi
* Thành viên, thư ký:                    200.000 đ/1 buổi
- Chấm phản biện công trình NCKH sinh viên dự thi các cấp
* Cấp Học viện:               200.000 đ/1 công trình/ 1 lượt chấm
* Cấp Khoa:                                 150.000 đ/1 công trình/1 lượt chấm
- Người chấm thứ ba (nếu cần thiết) được tính như chấm phản biện công trình
- Tổ giúp việc Hội đồng chấm công trình các cấp tính bằng ½ giờ chuẩn/1 công trình
Số lượng công trình tối thiểu tính cho một buổi họp hội đồng là 6 công trình.
Điều 16. Thanh toán cho Hội thảo khoa học sinh viên
- Thù lao cho Ban Tổ chức hội thảo khoa học sinh viên các cấp (kể cả đọc duyệt bài đăng, biên tập kỷ yếu, chủ trì, thư ký và các nội dung chuyên môn khác)
* Cấp Khoa và tương đương:               Tối đa 60 giờ / hội thảo
* Cấp Học viện và tương đương:                     Tối đa 80 giờ / hội thảo
- Thù lao cho đại biểu tham gia là cán bộ, giáo viên: 50.000 đ
- Kinh phí khánh tiết, tuyên truyền, in ấn tài liệu hội thảo (đánh máy, phôtô, đóng quyển) và các khoản kinh phí phát sinh khác: Ban QLKH xem xét đề nghị theo thực tế tại thời điểm tổ chức hội thảo.
- Tổng kinh phí cho 01 hội thảo khoa học sinh viên cấp Khoa được xác định, tùy theo quy mô tổ chức song mức tối đa không vượt quá 12 triệu.
Điều 17. Thanh toán cho Hội nghị khoa học sinh viên và gặp mặt cộng tác viên Nội san SV NCKH hàng năm.
-         Thù lao cho Ban Tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá công tác NCKH sinh viên các cấp hàng năm (kể cả chủ trì, thư ký, hướng dẫn và đọc duyệt các báo cáo và các nội dung chuyên môn khác)
* Cấp Khoa:                     20 giờ chuẩn / 1 hội nghị
* Cấp Học viện và tương đương: 30 giờ chuẩn / 1 hội nghị
- Thù lao cho đại biểu tham gia hội nghị khoa học sinh viên cấp Học viện
* Đại biểu CBGV và mời bên ngoài:    50.000 đ/đại biểu
* Đại biểu sinh viên:                                            20.000 đ/đại biểu
Điều 18: Thanh toán cho Nội san SV NCKH và các ấn phẩm khác
-         Bài đăng Nội san Sinh viên NCKH được tính nhuận bút theo từng loại bài như sau:
Loại 1: Các bài viết có nội dung nghiên cứu, trao đổi về các lĩnh vực chuyên môn
Bài đạt loại tốt tối đa:                150.000 đ/bài
Bài đạt loại khá tối đa:   130.000 đ/bài
Bài đạt yêu cầu tối đa:                110.000 đ/bài
Loại 2: Các bài khác như thông tin khoa học, tóm tắt đề tài nghiên cứu, dịch thuật, sưu tầm, tin tức… mức tối đa 100.000 đ/1 bài
-         Bài tham luận hội thảo khoa học của sinh viên đăng trên kỷ yếu khoa học được hưởng mức nhuận bút bằng 50-70% bài đăng trên nội san sinh viên NCKH cùng loại
-         Đọc duyệt bài viết của sinh viên gửi đăng Nội san sinh viên NCKH: 1,0 giờ chuẩn/1bài
-         Biên tập, tổ chức in ấn và các hoạt động liên quan của tòa soạn được tính bằng 15% với tổng nhuận bút của các bài được đăng.
Điều 19. Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phong trào có hàm chứa nội dung khoa học
Các hoạt động phong trào có hàm chứa nội dung khoa học như thi tìm hiểu kiến thức, thi Festival các môn học và các hình thức tương tự khác được hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức trên cơ sở cân đối với các hoạt động khoa học khác của sinh viên như sau:
-         Giáo viên hướng dẫn sinh viên các nội dung khoa học để tham gia các cuộc thi hàm chứa nội dung khoa học được hỗ trợ kinh phí ở mức tối đa không vượt quá 4 triệu đồng/1khoa/1cuộc thi.
-         Các đội dự thi được hỗ trợ kinh phí tham gia cuộc thi tính theo đội, với mức kinh phí không vượt quá 4 triệu đồng/1khoa/1cuộc thi
-         Hỗ trợ kinh phí giải thưởng với mức hỗ trợ khôgn vượt quá 10 triệu đồng/1khoa/1năm học
Điều 20. Đơn giá thanh toán
Đơn giá thanh toán cho giờ hướng dẫn của giáo viên, nghiên cứu viên, giờ được duyệt bài, giờ tổ chức hội nghị hội thảo và các công việc khác quy thành giờ được tính chung 30.000 đ/giờ chuẩn
Chương VI
Quy định về khen thưởng và xử lý kỷ luật trong hoạt động NCKH của sinh viên
Điều 21. Cộng điểm thưởng vào điểm TBCHT cho sinh viên
Những sinh viên có công trình NCKH đạt Giải thưởn “Sinh viên NCKH và các giải thưởng khoa học khác do Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm được cộng vào điểm trung bình chung học tập của năm đang học theo mức:
* Giải Nhất:                      0,4 điểm/1 công trình
* Giải Nhì:             0,3 điểm/1 công trình
* Giải Ba:             0,2 điểm/1 công trình
* Giải khuyến khích          0,1 điểm/1 công trình
Đối với những công trình do nhóm sinh viên thực hiện, mức thưởng điểm cho các cá nhân trong nhóm được xác định như sau:
  • Trưởng nhóm đề tài được hưởng ¼ số điểm thưởng
  • Thư ký đề tài được hưởng ¼ số điểm thưởng
  • Số điểm thưởng còn lại chia đều cho các thành viên tham gia
Điều 22: Khen thưởng trong công tác NCKH sinh viên
22.1. Khen thưởng cấp Khoa:
- Sinh viên có công trình NCKH dự thi cấp Khoa đạt giải cao được Khoa xét khen thưởng
- Sinh viên có thành tích NCKH trong 1 năm học đạt từ 2,0 điểm quy đổi trở lên được Khoa khen về thành tích NCKH tại Hội nghị khoa học sinh viên cấp Khoa. Mức thưởng và kinh phí khen thưởng do Trưởng khoa quyết định
22.2. Khen thưởng cấp Học viện
- Sinh viên có công trình NCKH tham gia dự thi cấp Học viện, cấp Bộ và cấp tương đương đạt từ giải khuyến khích trở lên được Giám đốc Học viện khen thưởng
- Sinh viên có thành tích NCKH trong một năm học đạt từ 4,0 điểm quy đổi trở lên được Giám đốc Học viện khen thưởng trong hội nghị tổng kết công tác NCKH hàng năm
- Sinh viên có thành tích NCKH trong toàn khóa đạt từ 5,0 điểm quy đổi trở lên được Học viện cấp giấy khen và thưởng về thành tích NCKH toàn khóa
Cuối năm học, các khoa phải có văn bản đề nghị khen thưởng sinh viên thuộc khoa mình quản lý gửi Ban QLKH trước 30/6 (theo mẫu 6) làm căn cứ xét thành tích khen thưởng cấp Học viện.
Mức khen thưởng do Giám đốc Học viện quyết định trong từng năm học
Điều 23. Quy đổi thành tích nghiên cứu khoa học của sinh viên
23.1. Công trình dự thi sinh viên NCKH các cấp
- Công trình dự thi cấp Bộ:
Giải Nhất:             6,0 điểm/1 công trình
Giải Nhì:                           5,5 điểm/1 công trình
Giải Ba:                            5,0 điểm/1 công trình
Giải khuyến khích:           4,5 điểm/1 công trình
-         Công trình dự thi cấp Học viện đạt từ giải KK trở lên: 4,0 điểm/1 công trình
-         Công trình dự thi cấp Khoa xếp loại từ đạt yêu cầu trở lên: 3,0 điểm/1CT
Trường hợp công trình do nhiều sinh viên cùng thực hiện, điểm quy đổi của từng cá nhân là điểm bình quân của các thành viên tham gia.
23.2. Bài báo đăng trên các ấn phẩm khoa học
- Bài báo đăng trên Tạp chí Ngành:                  Từ 1,5 – 2,0 điểm/bài
- Bài báo đăng trên Tạp chí chuyên ngành và cấp tương đương:     Từ 1,0 – 1,5 điểm /bài
- Bài báo đăng trên Nội san NCKH sinh viên của Học viện và cấp tương đương: Từ 0,5 – 1,0 điểm/bài
- Bài báo đăng trên Kỷ yếu khoa học cấp Khoa và tương đương: Từ 0,3 – 0,5 điểm/bài
Các bài báo được tính điểm quy đổi nói trên là bài có nội dung thuộc loại nghiên cứu, trao đổi, thông tin khoa học có liên quan đến chuyên môn. Các bài báo có nội dung đưa tin tức về các hoạt động trong và ngoài Học viện, sưu tầm hoặc dịch thuật về các lĩnh vực đời sống… chỉ được hưởng nhuận bút theo chế độ quy định.
Điều 24: Xử lý vi phạm trong hoạt động NCKH của sinh viên
Trường hợp phát hiện thấy công trình NCKH của sinh viên thiếu tính trung thực, Giám đốc Học viện sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để thi hành các hình thức kỷ luật thích hợp đối với tác giả công trình.

Chương VI. Điều khoản thi hành
Điều 25: Tổ chức thực hiện
Quy định này thay cho các văn bản quy định về NCKH của sinh viên trước đây. Trong quá trình thực hiện, Giám đốc Học viện có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best Buy Coupons